Xuất khẩu sẽ "mất trắng" thị trường nếu gian lận xuất xứ

Tháng 3 vừa qua, Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng của Mỹ đã gửi yêu cầu đề nghị Bộ Thương mại Mỹ điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng xuất xứ từ Việt Nam. Nếu đúng như vậy, có thể doanh nghiệp Việt sẽ mất toàn bộ thị trường này.


Phía Mỹ cho rằng, sau khi áp thuế chống CBPG mức thuế 183,36%, chống trợ cấp mức thuế 22,98 -194,9% lên các sản phẩm gỗ dán cứng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Các công ty của Trung Quốc đã chuyển các phần của sản phẩm này sang Việt Nam để thực hiện việc lắp ráp và tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh các mức thuế rất cao nói trên.

Mặt hàng gỗ dán đang bị Mỹ điều tra vì nghi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc (Ảnh: TL) 
 

Lại chuyện "con sâu làm rầu nồi canh"

Dẫn chứng mà cơ quan của Mỹ đưa ra là năm 2018, nhập khẩu gỗ dán cứng từ Trung Quốc vào Mỹ đạt 800 triệu USD. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm mạnh còn 300 triệu USD vì bị áp thuế CBPG, thuế chống trợ cấp.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu gỗ dán cứng từ Việt Nam vào Mỹ năm 2019 đạt 309 triệu USD, tăng rất mạnh so với 187 triệu USD năm 2018 và 63 triệu USD năm 2017.

Nói với Thời báo Kinh Doanh, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT công ty CP Woodsland cho biết, việc Mỹ điều tra CBPG với mặt hàng gỗ dán Việt Nam đang tác động rất lớn tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường này.

Ông Bằng nói: "Câu chuyện không chỉ nằm ở nguy cơ mà hậu quả đã xảy ra. Mỹ đang điều tra nhưng nhiều khách hàng của họ đã dừng nhập mặt hàng gỗ dán của Woodsland kể từ tháng 3 đến nay".

Nếu kết luận điều tra cho thấy đúng là mặt hàng trên có gian lận xuất xứ, chắc chắn gỗ dán Việt Nam sẽ mất hẳn thị trường Mỹ do bị áp thuế CBPG rất cao như Trung Quốc. Quan trọng hơn, khách hàng sẽ mất niềm tin với hàng Việt Nam. Đồng thời, điều này sẽ ảnh hưởng tới sản phẩm có sử dụng nguyên liệu từ gỗ dán như tủ bếp, tủ nhà tắm...

Không chỉ thị trường Mỹ, trước đó Ấn Độ, Hàn Quốc đã thông báo khởi xướng điều tra CBPG với một số mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Nhận định về câu chuyện này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nói rằng, diễn biến phức tạp của các vụ khởi kiện thương mại quốc tế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp trong việc quyết định duy trì hoặc mở rộng đầu tư, sản xuất đối với một số mặt hàng sản phẩm.

Nhưng câu chuyện trở lên lo ngại hơn khi mà gần đây, nguy cơ gian lận xuất xứ không chỉ diễn ra với riêng ngành gỗ, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phát đi những cảnh báo danh sách 12 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị mạo danh xuất xứ gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, lốp xe tải và xe khách, xe đạp điện, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình ga, ghim đóng thùng.

Chưa hết, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam đã có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp PVTM hiện nay đang gia tăng.

Gần đây nhất, Mỹ - quốc gia điều tra lẩn tránh thuế nhiều nhất với Việt Nam với 10 vụ việc, chiếm tỷ lệ gần 50% tổng số vụ việc, đã tự khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ của Việt Nam. Việc cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ không căn cứ trên yêu cầu của các doanh nghiệp Mỹ, tự khởi xướng điều tra là việc tương đối hiếm.

Cần giải pháp triệt để

 Cục PVTM nhận định, với xu hướng các vụ việc PVTM ngày càng gia tăng, nội dung “tình hình thị trường đặc biệt” cũng có thể được các nước tăng cường sử dụng.

Về cơ bản, đây là việc các nước nhập khẩu từ chối sử dụng số liệu của nước xuất khẩu, dùng số liệu do mình lựa chọn để tăng thuế PVTM nhằm tìm cách nâng cao mức độ “bảo hộ” sản xuất trong nước.

Với thực trạng trên, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện, Bộ này đã ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả vấn đề này, theo Bộ Công Thương, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định để hạn chế nguy cơ bị khởi kiện lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ.

"Doanh nghiệp cần không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan", Bộ Công Thương khuyến nghị.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Hải Bằng cho rằng nếu vào cuộc quyết liệt, các cơ quan chức năng như thuế, hải quan dễ dàng phát hiện ra các trường hợp doanh nghiệp tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, từ đó xử phạt mạnh tay để răn đe những doanh nghiệp khác. 

Tuy nhiên, vấn đề đại diện Woodsland băn khoăn, như trong ngành gỗ, có tình trạng doanh nghiệp của Trung Quốc gia công một phần hàng hóa bên nước họ, xong chuyển vào Việt Nam gia công phần còn lại rồi xuất khẩu. "Đây mới là rủi ro của ngành gỗ, cũng như các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam", ông Bằng lưu ý.

Đặc biệt, với làn sóng đầu tư vào Việt Nam gia tăng, cộng thêm việc tham gia nhiều FTA, câu chuyện hàng ngoại "núp bóng" hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang các nước có FTA với Việt Nam được cảnh báo là tiếp tục gia tăng. Nếu chúng ta chưa có giải pháp triệt để và sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý.

Dự báo trước nguy cơ gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu sang EU

Bộ Công Thương cho biết đến nay, EU đã điều tra 14 vụ việc PVTM, bao gồm 6 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng thứ 5 trong số các nước điều tra và chiếm khoảng 8% tổng số vụ việc PVTM với hàng hóa của Việt Nam.

Các sản phẩm bị điều tra bao gồm giày mũ da, ống thép, ốc vít, xe đạp, sợi, thép, xe tay nâng, bật lửa ga, vòng khuyên kim loại, đèn huỳnh quang, ô xít kẽm, mỳ chính. Hiện nay, chỉ có biện pháp tự vệ với thép (2018) là đang còn hiệu lực.

Hiệp định EVFTA đang được Quốc hội xem xét phê chuẩn. Dự kiến, Hiệp định này có thể có hiệu lực sớm nhất vào tháng 7/2020.

EVFTA mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU rộng lớn. Tuy nhiên, việc thị trường EU áp dụng nhiều biện pháp PVTM như CBPG, chống trợ cấp, tự vệ nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với sự gia tăng của hàng nhập khẩu là điều mà doanh nghiệp Việt cần đặc biệt quan tâm.

Trên cơ sở theo dõi, cập nhật số liệu xuất khẩu của Việt Nam, các vụ việc PVTM EU tiến hành điều tra với các nước. Bộ Công Thương sẽ tiến hành nghiên cứu dự báo các nguy cơ về tranh chấp thương mại, các hoạt động gian lận thương mại, gian lận xuất xứ đối với một số sản phẩm có nguy cơ bị điều tra (ví dụ có kim ngạch xuất khẩu lớn, đã từng bị EU điều tra PVTM tại các thị trường lân cận…).

Bộ Công Thương nhìn nhận, thời gian tới cần có cơ chế phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra như: Phát triển, kết nối hệ thống dữ liệu cập nhật về tình hình xuất nhập khẩu giữa Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); Theo dõi sát diễn biến về giá, lượng nhập khẩu của một số mặt hàng trọng điểm.

Nguồn: Thời Báo Kinh Doanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *