Sản xuất, chế biến đồ gỗ liệu có phục hồi đà tăng trưởng?

Năm 2019, ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) lên tới 11,2 tỷ USD, xuất siêu lên tới 8,68 tỷ USD, là ngành hàng xuất khẩu (XK) số một của nông nghiệp Việt Nam. Dịch Covid-19 đã gây những ảnh hưởng tiêu cực đến ngành XK hơn "chục tỷ đô" này, đặc biệt là sản phẩm gỗ.

Vậy giải pháp cho ngành là gì? Từ nay đến cuối năm, liệu ngành XK mũi nhọn này có lấy lại được đà tăng trưởng để đạt mục tiêu KNXK năm 2020? 

Vẫn tăng trưởng dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 6-2020 ước đạt 894 triệu USD, lũy kế XK 6 tháng đầu năm 2020 đạt 4,98 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020, chiếm 84,1% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ. Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh tại các thị trường: Thái Lan (tăng 40%), Trung Quốc (tăng 18,5%) và Hoa Kỳ (tăng 9,1%). Ngược lại, thị trường có giá trị XK giảm mạnh nhất là Anh (giảm 38,9%). 

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19 ngay từ quý I-2020, thế nhưng quý II, KNXK của ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản đã tăng trưởng trở lại, dù mức trưởng không cao so với cùng kỳ các năm trước đây. Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp hy vọng quý III, quý IV, khi các quốc gia cơ bản khống chế được dịch bệnh, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định, trở lại bình thường.

Sản xuất, chế biến đồ gỗ liệu có phục hồi đà tăng trưởng?
Sản xuất đồ gỗ ở Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Vĩnh An (Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

Chia sẻ về những khó khăn do dịch Covid-19, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Woodsland (Tuyên Quang), cho hay: "Từ tháng 3-2020, các đơn hàng của doanh nghiệp (DN) về con số 0, kể cả những đơn hàng đã ra đến cảng cũng buộc phải dừng, phía khách hàng từ chối nhận do cửa hàng đóng hoàn toàn, các dịch vụ kho bãi cũng đóng cửa. Rất may trong bối cảnh đó, các ngân hàng ủng hộ việc gia hạn khoản vay, giãn nợ nên DN của chúng tôi vẫn duy trì được thanh khoản, trả lương công nhân. Những chính sách căn bản của Nhà nước đã góp phần hỗ trợ DN duy trì, phát triển sản xuất. Hiện nay, tình hình đã tạm ổn định, trước đây khi chưa có dịch Covid-19, trị giá đơn hàng khoảng 1 triệu USD/tuần thì nay, đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại khoảng 200-300.000USD/tuần. Để vượt khó, tôi nghĩ các DN sẽ phải chủ động, linh hoạt tìm thị trường mới".

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), nhận định: Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 ở quý I-2020 nhưng nếu tập trung vào sản xuất các sản phẩm cốt lõi như đồ gỗ nội thất, đồ dùng trong gia đình thì cơ hội tăng trưởng ở các quý còn lại trong năm vẫn còn, đặc biệt là thị trường Mỹ. Vừa rồi, một số đơn hàng của DN vẫn được thực hiện sang thị trường Mỹ, thậm chí có những đơn hàng phải vận chuyển bằng máy bay, khách hàng chấp nhận trả phí vận chuyển. Đồng thời, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực. Vì vậy có cơ hội để ngành sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam tăng trưởng cao ở quý III, quý IV. "Ngành sản xuất đồ gỗ sẽ tăng trưởng đạt hai con số trong năm 2020", ông Đỗ Xuân Lập tin tưởng. Theo ông Lập, giải pháp quan trọng là phải tận dụng được việc sử dụng nguyên liệu, phụ kiện trong nước. Tiếp đến là phải nắm bắt nhu cầu sản phẩm của thị trường thế giới.

Phải đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc gỗ

Cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản gặp khó khăn thì hiện nay, một vài thị trường lớn cũng đang có các hoạt động điều tra chống phá giá lên sản phẩm gỗ Việt Nam. Cụ thể, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã có thông báo chính thức áp tạm thuế chống bán phá giá lên sản phẩm gỗ dán xuất xứ từ Việt Nam, ngoài 6 công ty có mức thuế chống bán phá giá riêng thì mức áp chung cho tất cả các công ty XK gỗ dán là 10,54%. Sản phẩm áp dụng tạm thời thuế chống bán phá giá là gỗ dán với một hoặc nhiều lớp có độ dày không nhỏ hơn 6mm. Thời gian áp thuế từ ngày 29-5-2020 đến 28-9-2020. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng chính thức khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam. Do đó, các DN Việt Nam cần phải chứng minh được nguyên liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ có xuất xứ Việt Nam hoặc từ nước khác (không phải Trung Quốc) để không bị coi là có hành vi lẩn tránh.

EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% hoặc về 0% trong vòng 5 năm. Song, người tiêu dùng EU luôn đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc gỗ, các giấy tờ, hồ sơ minh bạch chứng minh tính hợp pháp của nguyên liệu... Vì vậy, các DN ngành gỗ nên tái cấu trúc chuỗi sản xuất, xúc tiến quản lý rừng bền vững, thực thi các cam kết để bảo đảm XK gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp.

Mong muốn được hỗ trợ về thuế, lãi vay

Về triển vọng ngành sản xuất đồ gỗ trong thời gian tới, ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho rằng, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc phòng, chống dịch Covid-19 rất tốt, hiệu quả kiểm soát dịch cao, các đối tác biết điều này nên nhờ đó, chúng ta có thể tăng cường XK được nhiều sản phẩm hơn.

Để ngành gỗ vượt qua khó khăn hiện tại, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tài chính, chính sách tiền tệ phù hợp, lãi vay hợp lý để hỗ trợ các DN cấu trúc lại nhà máy, thay đổi công nghệ, đầu tư sản xuất những sản phẩm có tính chiến lược có nhu cầu cao của thế giới; mở rộng quy mô bằng việc xây dựng các cụm công nghiệp ngành gỗ.

Về việc này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có 4 nhóm giải pháp lớn cần phải thực hiện để ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản có thể vượt qua được thách thức trước mắt và tiếp tục phát triển bền vững. Đó là, thứ nhất phải tập trung giải quyết ngay những khó khăn cho 4.600 DN sản xuất, chế biến đồ gỗ, với các nhóm chính bao gồm: Tín dụng, an sinh xã hội, chính sách tài chính (thuế, tiền sử dụng đất). Thứ hai, phải tập trung vào các thị trường đã khống chế được dịch. Thứ ba, các DN phải rà soát lại chiến lược kinh doanh, chuẩn bị tốt điều kiện để quý III, quý IV nếu dịch được khống chế cơ bản thì có thể khai thác ngay được các thị trường. Thứ tư, phải tái cơ cấu lại ngành hàng theo hướng hiện đại, bền vững, trong đó, vùng nguyên liệu phải bảo đảm, đủ sức cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, đối với chế biến phải hình thành được các tập đoàn lớn, các khu công nghiệp sản xuất lớn mang tầm cỡ khu vực và thế giới. Ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ thông tin để bán hàng online.

Theo: Báo Quân Đội Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *